Công bố Báo cáo quốc gia PISA chu kỳ 2022

19/06/2025 Minh Trí

Sáng 17/6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2022 của Việt Nam.

Chương trình PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và điều phối, là một trong những công cụ đánh giá diện rộng quốc tế có uy tín, giúp các quốc gia đo lường năng lực của học sinh 15 tuổi trong các lĩnh vực nền tảng như Đọc hiểu, Toán học và Khoa học – những năng lực thiết yếu để sống, học tập và làm việc hiệu quả trong thế kỷ 21.

Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN trong PISA 2022

Theo kết quả PISA 2022 do OECD công bố ngày 5/12/2023, điểm trung bình môn Toán của học sinh Việt Nam đạt 469 điểm, môn Đọc hiểu là 462 điểm, môn Khoa học là 472 điểm; đều rất sát mức trung bình của OECD là 472 điểm.

Việt Nam đứng 31/81 quốc gia về Toán, 34/81 quốc gia về Đọc, và 35/81 quốc gia về Khoa học, trong khu vực ASEAN chỉ đứng sau Singapore.

72% học sinh đạt ít nhất trình độ Level 2 môn Toán (OECD: 69%), 77% đạt Level 2 môn Đọc (OECD: 74%), và 79% đạt Level 2 môn Khoa học (OECD: 76%).

Chủ tọa điều hành hội thảo

5% là tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt Top Performer (Level 5-6) môn Toán (OECD: 9%), trong khi môn Đọc là 1%, môn Khoa học là 2% (OECD đều ~7%) .

Việc Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ dù nguồn đầu tư chỉ khoảng 13.800 USD cho mỗi học sinh giai đoạn 6 – 15 tuổi (trong khi OECD là ~75.000 USD) cho thấy nỗ lực và hiệu quả trong hoạch định chính sách giáo dục.

Kết quả giữ vững, nhưng vẫn còn dư địa cải thiện

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Phạm Quốc Khánh cho biết, tham gia PISA là một trong những định hướng quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh vai trò của đánh giá diện rộng, cả ở tầm quốc gia và quốc tế, như một công cụ để nâng cao chất lượng, công bằng và hiệu quả của hệ thống giáo dục.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Phạm Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo

Đồng thời, đây cũng là một bước đi cụ thể của Việt Nam trong quá trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục (SDG4) – bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Những dữ liệu từ Báo cáo quốc gia PISA 2022 cung cấp bức tranh đầy đủ về chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam. Tuy kết quả giữ vững và ngang mức trung bình OECD, nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện, đặc biệt về nhóm học sinh xuất sắc và sự thay đổi giảm so với chu kỳ trước.

Nền tảng số liệu xác thực từ PISA 2022 sẽ được dùng làm cơ sở điều chỉnh các chính sách giáo dục, ưu tiên phát triển năng lực tư duy phản biện, sáng tạo và nâng cao tỷ lệ học sinh đạt trình độ cao; đồng thời giảm khoảng cách thành tích giữa các nhóm xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển giáo dục phổ thông toàn diện và phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Chuyên gia báo cáo tại hội thảo

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, giáo viên đã cùng trao đổi, thảo luận, phân tích sâu Báo cáo quốc gia PISA 2022 như: những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh; tác động cụ thể của hoàn cảnh kinh tế – xã hội, điều kiện học tập, phương pháp giảng dạy; khoảng cách về cơ hội và thành tích học tập giữa các nhóm đối tượng khác nhau… nhằm tạo nên tác động tích cực đến chính sách và thực tiễn giáo dục phổ thông nước ta trong thời gian tới.

Trong đó, nhấn mạnh vai trò then chốt của các trường sư phạm trong đào tạo đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh và hội nhập quốc tế.

Các Sở GDĐT được xác định là lực lượng nòng cốt trong việc đưa kết quả PISA vào thực tiễn, xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng giáo dục trên cơ sở bằng chứng và đảm bảo cơ hội học tập công bằng cho mọi học sinh.

Đại biểu trao đổi tại hội thảo

Tại hội thảo, cũng nghi nhận định hướng nghiên cứu chuyên sâu và khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, Bộ GDĐT, Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục từ kết quả PISA 2022.

Việt Nam chính thức tham gia PISA từ năm 2012 và đã liên tục thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trong từng chu kỳ đánh giá. Kết quả PISA không chỉ phản ánh chất lượng và hiệu quả của giáo dục phổ thông nước ta trong tương quan với các quốc gia khác, mà còn cung cấp những bằng chứng tin cậy, khách quan để điều chỉnh chính sách, cải tiến phương pháp dạy học và xây dựng chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Kết quả PISA 2022 là cơ sở khoa học để Việt Nam tiếp tục định hình các chính sách phát triển giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, tăng cường chuẩn bị cho học sinh khả năng thích ứng với một thế giới đang đổi thay nhanh chóng.

MOET – Trung tâm Truyền thông và Sự kiện